Học chữ “Tùy duyên”

Giữa người với người, có thể gần, cũng có thể xa; Giữa việc với việc, có thể phức tạp, cũng có thể giản đơn; Giữa tình cảm với nhau, có thể sâu, cũng có thể cạn. Đừng mong cầu người đối xử với mình đặc biệt, cũng chẳng nên hy vọng họ sẽ bớt đi những toan tính.

 

 

tùy duyên

Cuộc sống có người nói ít làm nhiều, cũng sẽ có kẻ chỉ biết hoa chân múa tay. Bạn không nên quá bận lòng, chỉ cần quản tốt việc của bản thân: làm những việc cần làm, đi con đường nên đi, giữ gìn sự lương thiện, nuôi dưỡng lòng chân thành; khoan dung với mọi người, nghiêm khắt với bản thân, còn lại thuận theo nhân duyên là được.

Đức Phật từng nói: với người không có duyên, dù nói bao nhiêu lời cũng là thừa; còn như đã hữu duyên thì chỉ cần xuất hiện, bạn cũng có thể thức tỉnh mọi giác quan của họ…

 

Có một số việc, vừa phân trắng đen đã trở thành quá khứ; Có một số người, giận hờn vài ngày đã trở thành dĩ vãng; Có những nỗi đau, vừa cười lên đã tan thành bọt nước; Có những hoàn cảnh, nhờ chịu chút thương đau mà trở nên kiên cường.

Đôi khi hôm nay là việc lớn, ngày mai nhìn lại chẳng có gì đáng kể; năm nay quan trọng, sang năm sẽ trở thành thứ yếu; chuyện vĩ đại đời này, đời sau người ta gọi là truyền thuyết.

Chúng ta, nhiều nhất cũng chỉ là câu chuyện của một người. Vì thế trong cuộc sống hay công việc, nếu gặp chuyện không vừa ý, hãy nói với bản thân: “hôm nay sẽ qua đi, ngày mai rồi cũng đến, hãy buông bỏ tất cả để bắt đầu ngày mới!”

Trên đời, có một số việc không phải không để tâm, mà để tâm cũng không làm được gì hơn.

Cuộc sống không có “nếu như”, chỉ có “hậu quả” và “kết quả”
Đón nhận đời mình như thế nào là do bản thân lựa chọn, người khác không thể quyết định thay.

Trưởng thành rồi, bạn sẽ biết cách lấy nụ cười đối diện với tất cả.

Bài học về nhân phẩm

Một cô bé nghèo đói, mồ côi cha mẹ nhưng lại khiến một nhà tỷ phú rút ra được bài học đáng quý.



30 năm trước, vào một đêm đông lạnh, người vợ của một doanh nhân trong lúc sơ ý đã làm rơi ví ở bệnh viện. Vị doanh nhân đó vô cùng lo lắng liền đi tìm ngay trong đêm, bởi trong ví không chỉ có 10 triệu đô la Mỹ mà còn có thông tin cơ mật về thị trường vô cùng quan trọng.
Lúc chạy đến bệnh viện, ông nhìn thấy một cô bé gầy gò ốm yếu run run ngồi dựa vào sát tường ngoài hành lang yên tĩnh và đang ôm chặt cái ví mà chính vợ ông đã đánh rơi.



Cô bé có tên là Linh Linh, cô đến đây để chăm sóc mẹ đang bị bệnh, nhà chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn: thứ gì cần bán thì đều đã bán hết, số tiền gom góp lại cũng chỉ đủ tiền thuốc trong một đêm. Ngày mai, nếu không có tiền điều trị, mẹ con họ sẽ bị đuổi ra khỏi bệnh viện.

Mỗi tối, cô bé đi đi lại lại ngoài hành lang cầu nguyện, luôn mong có vị thượng đế phái một người tốt nào đó xuống để cứu giúp mẹ. Đang đứng có một người phụ nữ đi qua hành lang và đánh rơi chiếc ví mà bà ấy không hề hay biết. Lúc đó, ngoài hành lang chỉ có một mình Linh Linh, cô bé vội vàng chạy lại nhặt chiếc ví rồi đuổi theo ra ngoài cổng nhưng không kịp, người phụ nữ đó đã lên xe và đi mất. Cô bé quay về phòng mẹ, lúc cô mở chiếc ví ra, hai mẹ con đều kinh ngạc bởi những thứ có trong ví. Cả hai mẹ con họ đều biết rằng với số tiền này có thể đủ thanh toán tiền viện phí cho mẹ cô bé nhưng người mẹ lại bảo cô bé mang chiếc ví quay lại hành lang rồi đợi người mất ví đến nhận. Mẹ cô bảo rằng, người mất tiền nhất định đang rất lo lắng, việc nên làm ở đời người đó là giúp đỡ người khác, lo cho sự lo lắng của người khác; việc không nên làm đó chính là ham tiền của bất chính, nhìn thấy tiền mà quên tình nghĩa.

Mặc dù nhà tỷ phú đã cố gắng hết sức giúp đỡ nhưng mẹ cô bé vẫn không qua khỏi được. Hai mẹ con họ không chỉ giúp vị doanh nhân tìm lại 10 triệu Đô la Mỹ mà quan trọng hơn đó là tìm lại được thông tin thị trường quan trọng đó, giúp cho việc kinh doanh của ông ta thành công mỹ mãn, không lâu sau thì trở thành tỷ phú.


Sau đó, cô bé được ông nhận nuôi, cô hoàn thành chương trình học Đại học và quay về giúp đỡ ông xử lý việc kinh doanh. Mặc dù nhà tỷ phú không giao cho cô bất cứ trọng trách cụ thể nào nhưng trong thời gian học hỏi và rèn luyện, mọi kỹ năng kinh nghiệm cũng như trí tuệ của ông đã ảnh hưởng sâu sắc đến cô, giúp cô trở thành một nhân tài kinh doanh thành thục. Lúc về già, làm bất cứ việc gì ông đều tham khảo ý kiến của cô.



Trước lúc qua đời, ông có để lại một bức di chúc khiến mọi người đều kinh ngạc: “Trước khi quen hai mẹ con Linh Linh, tôi đã là một người có rất nhiều tiền. Nhưng khi gặp con bé và đứng trước giường bệnh của mẹ nó, tôi nhận ra rằng hai mẹ con họ là người giàu có nhất, bởi tấm lòng của họ đã đạt đến tiêu chuẩn làm người mà không ai với tới được, đó chính là cái mà người doanh nhân như tôi còn thiếu sót nhiều nhất. Họ giúp tôi tỉnh ngộ rằng tài sản lớn nhất của con người chính là nhân phẩm.



Tôi nhận nuôi Linh Linh không phải là để báo đáp ơn huệ, cũng không phải là tôi đồng cảm với họ mà là vì muốn mời một hình mẫu về cách làm người. Có nó bên cạnh, việc kinh doanh trên thị trường tôi có thể nắm bắt nhanh chóng, những việc gì nên làm, những việc gì không nên làm, tiền gì nên và tiền gì không nên kiếm. Đó chính là nguyên nhân chủ chốt giúp sự nghiệp của tôi đạt đến sự hưng thịnh sau này, và tôi đã trở thành một nhà tỷ phú. Sau khi tôi đi, toàn bộ gia sản sẽ do Linh Linh kế thừa, như vậy, sự nghiệp của tôi sẽ tiếp tục hưng thịnh, ngày càng đạt đến đỉnh cao thành công. Tôi đặc biệt tin tưởng rằng, đứa con trai thông minh của tôi sẽ hiểu được nỗi lòng của bố nó”.

Khi con trai của ông từ nước ngoài trở về, anh ta liền đọc kỹ di chúc của bố rồi không một chút do dự liền ký tên vào tờ hiệp ước kế thừa tài sản: “Tôi đồng ý việc Linh Linh kế thừa toàn bộ gia sản của bố tôi, tôi chỉ có một yêu cầu là Linh Linh hãy làm vợ của tôi”.



Sau khi nhìn thấy con trai của bố nuôi ký tên, cô cũng cầm bút ký: “Tôi tiếp nhận toàn bộ tài sản của bố nuôi để lại, bao gồm cả con trai của ông”.

Đọc xong câu chuyện, bạn rút ra được điều gì không? Nếu bạn lạnh nhạt với người khác, họ cũng sẽ lạnh nhạt với bạn như vậy; nếu bạn thường xuyên phê bình người khác, bạn cũng sẽ nhận được nhiều sự phê bình như thế; nếu bạn thường ra ngoài với bộ mặt cau mày, nhăn nhó thì đương nhiên, người khác cũng sẽ không tươi cười với bạn; tất cả đều có luật nhân quả. Chỉ cần bạn luôn nỗ lực làm người tốt, bạn nhất định sẽ được báo đáp. Những việc bạn cố gắng làm cho người khác thì cũng chính là làm cho bản thân mình, vì thế, bạn luôn mong muốn bản thân có được, trước tiên bạn nên làm cho người xung quanh bạn có được. Nếu bạn luôn mong muốn có được những người bạn tốt thì trước tiên bạn phải hết lòng với bạn bè. Nếu bạn mong mình luôn được vui vẻ thì trước tiên hãy mang niềm vui ban phát cho người khác.



Giúp đỡ người khác chính là mở ra cho bản thân một con đường, cho bản thân thêm một cơ hội và cũng chính là cho người khác thêm một cơ hội. Sống trong đời nên bớt ích kỷ đi một chút, quan tâm đến người khác nhiều hơn, như vậy thế giới của chúng ta mới tràn đầy ánh sáng, tràn đầy niềm vui được.

Hãy mài sắc công cụ

Một người thanh niên trẻ tuổi đi vào rừng rậm đốn củi, anh ta cố gắng đến mức hầu như không nghỉ ngơi, nhưng lại xảy ra một việc khiến anh nghĩ mãi không ra…

 

 

Có một người thanh niên trẻ tuổi đi vào rừng làm thợ đốn củi, anh ta hết sức cố gắng làm việc, lúc người khác nghỉ ngơi thì anh ta vẫn chăm chỉ làm, phải đến trời tối thì anh mới nghỉ. Bởi vì anh hy vọng rằng một ngày nào đó anh sẽ thành công, nên muốn tận dụng những năm tháng còn trẻ để cố gắng hơn một chút.

Thế nhưng mà, hơn nửa tháng trôi qua, anh không một lần nào có thành tích vượt qua được những người khác, trong lòng anh vừa buồn lại vừa bực bội: “Họ rõ ràng là thường xuyên nghỉ ngơi, tại sao mình lại không vượt qua được họ chứ?”

Người thanh niên nghĩ mãi không ra, cho là sự cố gắng của mình vẫn là chưa đủ, vì thế anh quyết định từ hôm sau phải càng ra sức hơn nữa mới được, không ngờ thành tích hôm sau lại không được như mong muốn, thậm chí còn kém xa mấy ngày hôm trước. Lúc này, có một vị tiền bối gọi anh ta lại uống trà, người thanh niên thầm nghĩ: “Thành tích kém như vậy, lấy đâu ra thời gian mà nghỉ ngơi”, liền lên tiếng trả lời: “Cháu cảm ơn, nhưng cháu không có thời gian ạ!”

Vị tiền bối cười và lắc đầu nói: “Cái thằng ngốc này, cứ một mực đốn củi mà không chịu mài dao mài rìu, thành tích không tốt rồi sớm muộn gì cũng chán mà bỏ thôi, thật là tinh lực quá thừa!”

Hóa ra, những người kia đều tranh thủ lúc nghỉ ngơi, uống trà, nói chuyện mà mài dao, mài rìu nên khó tránh việc thành tích đốn củi của họ lại cao như vậy. Vị tiền bối cầm chiếc rìu vừa mài sắc sáng lấp lánh lên và nói với người thanh niên: “Người trẻ tuổi đúng là phải cố gắng, nhưng cũng đừng quên rằng phải tiết kiệm sức lực, không nên dùng tận sức. Cậu thì sao, đừng quên: “Công dục thiện kỳ sự, tất tiên lợi kỳ khí” (Tạm dịch: muốn hoàn thành công việc thì trước hết phải có công cụ tốt), làm việc là coi trọng hiệu suất chứ không phải là làm bừa, nâng cấp kỹ năng và năng lực của mình lại có thể giống “làm chơi mà ăn thật” đấy!”

Trong công việc ngoài cố gắng ra, cần hiểu được lúc nào phải giảm bớt áp lực cũng là điều quan trọng, dưới đây xin đưa ra một số phương pháp:

1. Hít sâu: khi cảm thấy có áp lực, hãy hít hơi thật sâu một vài lần, nó sẽ đem lại cho bạn sự bình tĩnh.

2. Tam thời tách ra khỏi áp lực: có khi việc tạm thời tách ra khỏi áp lực lại khiến bạn dễ xử lý hơn.

3. Hãy nở một nụ cười: Dù cho sự tình đang xảy ra có tệ đến đâu, hãy mỉm cười, kể cả là cười giả vờ hay cười một cách miễn cưỡng cũng được, hãy thử ngắm nhìn nụ cười của mình một chút, bạn sẽ thấy trạng thái thay đổi đấy!

4. Hãy di chuyển: Thể xác và tinh thần là một thể thống nhất, thông qua cách buông lỏng thân thể, cũng sẽ mang lại hiệu quả cho tâm lý, nếu như có thể dưỡng thành thói quen vận động, thì sức khỏe của thân thể và khả năng chống chọi áp lực sẽ tăng lên đáng kể.

5. Giải quyết với từng việc một: Khi có áp lực thông thường mọi người đều phải đối mặt với nhiều thứ đồng thời xảy ra, mà chúng chính là làm phức tạp tăng lên. Lúc này, hãy để bản thân giải quyết từng việc một, dần dần sẽ qua.

6. Tra lại một chút về ngọn nguồn của sự việc: Có lúc xảy ra việc không cách nào xử lý được, thường là bởi vì bản thân lúng túng, hãy để bản thân được yên tĩnh, rồi từ từ suy nghĩ nguyên nhân của sự việc xảy ra là gì, sau đó tìm một phương pháp thích hợp nhất để cải biến tình huống hiện tại.

  Lời bàn: hãy học tập không ngững, cố gắng rèn giũa công cụ thật sắc bén

 

8 điều chúng ta (lẽ ra phải) được học từ Tấm Cám

b2ap3_thumbnail_18955_full.jpg

Tấm Cám chắc là ai cũng biết rồi: từ bé tí được mẹ kể (hẳn là bản đã cắt xén bạo lực!), đi học tiểu học lại được học kể chuyện, rồi lên cấp hai gì đó, học lại trong môn Ngữ văn. Thôi thì, không bàn tới bài học Thiện-Ác đã nhắc đến mòn môi các nhà phân tích, hay cái kết man rợ gây sốc với những tâm hồn bé thơ non nớt trót yêu thương nàng Tấm (tưởng là) hiền lành; mình đã đọc lại truyện Tấm Cám, và thấy rằng truyện còn nhiều vô khối những bài học thiết thực hơn mà lẽ ra chúng ta phải được dạy lâu rồi mới phải!

1.

Truyện kể rằng: Một hôm người dì sai hai chị em Tấm Cám đi bắt tôm tép, ai bắt được nhiều hơn sẽ được thưởng một cái yếm đỏ. Tới trưa Tấm bắt được đầy giỏ, trong khi Cám mải chơi chẳng bắt được gì. Cám bèn bảo chị:

– Chị Tấm ơi, chị Tấm! Đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về mẹ mắng.

Tin là thật, Tấm bèn xuống ao lội ra chỗ sâu tắm rửa. Cám thừa dịp trút hết tép của Tấm vào giỏ của mình rồi ba chân bốn cẳng về trước. Lúc Tấm bước lên chỉ còn giỏ không, bèn ngồi xuống bưng mặt khóc hu hu

=>   Phải tự ý thức được bản thân mình, biết mình tốt dở, đúng sai ở đâu; không thể cứ người khác bảo mình ra sao là tin ngay như thế được. Không tự biết giá trị của mình, dễ sinh tự kiêu hoặc tự ti; cả hai cái đức ấy đều chẳng dẫn người ta đến đâu cả.

Tấm cả tin như thế, đến đầu bẩn hay không cũng không biết; mình là con Cám mình cũng lừa cho!

2.

Truyện kể rằng: Tấm được Bụt cho con cá bống, mang về nhà thả xuống giếng, mỗi bữa đều chừa lại một bát cơm cho Bống ăn.

=>  Rõ là Tấm chưa biết nuôi Bống có ích gì không nhưng cô vẫn mang về nhà chăm sóc cẩn thận, để rồi quả thực sau này việc ấy giúp cô có quần áo đi dự hội. Trong cuộc sống, việc đối xử tốt và không vụ lợi với những người xung quanh mình chính là cách đầu tư tốt nhất cho tương lai. Người ta bảo là xây dựng vốn xã hội (social capital) chính là như thế đó.

 

3.

Truyện kể rằng: Cám rình nghe Tấm gọi Bống lên “Bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người”, từ đó cũng học được cách gọi này. Lợi dụng khi Tấm đi chăn trâu đồng xa, hai mẹ con gọi cá lên và bắt làm thịt.

=>  Hầu hết mọi việc đều có thể… học được, nếu bạn chịu để ý. Những ai đọc Harry Potter, hẳn biết rằng việc Ron Weasley học được một câu tiếng Xà ngữ từ Harry Potter là mấu chốt giúp bộ ba chiến đấu thành công. Ôi chao, đến Xà ngữ còn học được, huống chi câu thần chú gọi cá dễ nhớ như thế kia.

=>  Về phần Tấm, có mỗi bí mật nhỏ cũng không cần thận giữ được. Nhớ rằng trong hoàn cảnh cạnh tranh mạnh mẽ, nếu ta may mắn có được bí quyết hay bí mật kinh doanh gì, đừng dại mà để mất lợi thế cạnh tranh ấy.

4.

Truyện kể rằng: Tấm tìm xương Bống mãi không được, may có con gà mái đề nghị giúp đỡ; con gà ăn thóc xong bới xương một lúc là ra. Khi Tấm bị dì ghẻ bắt nhặt thóc gạo, Bụt cũng sai đàn chim sẻ đến giúp.

=>  Chúng ta không thể một mình tự làm tốt hết mọi việc được. Để sống ngon lành, nên làm bạn với người giỏi hoặc có quyền thế (như Bụt), và nhở vả đúng người đúng việc đúng chuyên môn (gà bới xương và chim nhặt thóc). Tập trung phát triển điểm mạnh của mình quan trọng hơn vá lỗ những điểm yếu (Tấm tập trung khóc gọi Bụt lên giúp thì rõ là được việc hơn cố đấm ăn xôi nhặt hết đấu gạo, nhỉ!).

5.

Truyện kể rằng: Tấm biến thành chim vàng anh, ngày ngày ra bờ sông nơi Cám giặt quần áo mà kêu:

Giặt áo chồng tao, phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao.

Thế là Tấm bị Cám mang ra thịt.

Lại nữa, Tấm biến thành cây xoan bị Cám chặt ra đóng khung cửi. Khung cửi kêu kẽo kẹt:

Kẽo cà kẽo kẹt, lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt cho.

Thế là Cám đem đốt luôn khung cửi. Tấm chết thêm lần nữa.

 

=>  Muốn trả thù/chứng tỏ bản thân gì đó, trước tiên là bản thân phải có kế hoạch, thế lực phải mạnh đã rồi hẵng tuyên chiến. Khi chưa là gì mà đã lớn tiếng dọa nạt đối thủ, chỉ rước họa vào thân.

 

6.

Truyện kể rằng: Khi thử giày, Cám thoáng thấy bóng Tấm bèn bảo mẹ, hình như chị Tấm đi hội. Mẹ Cám bĩu môi:

Chuông khánh còn chẳng ăn ai

Huống hồ mảnh chĩnh mảnh chai bờ rào

=>  “Mảnh chĩnh mảnh chai” nhiều khi chỉ cách chuông khánh có vài bộ quần áo đẹp và trang điểm tươm tất thôi nhé!

7.

Truyện kể rằng: Tấm biến thành quả thị. Có cụ bà ngày ngày đi qua cây thị, nhìn lên quả mà nói ngọt ngào:

Thị ơi thị rụng bị bà

Bà để bà ngửi chứ bà không ăn

Quả thị bèn rơi ngay vào bị bà.

=>  Ai cũng thích nghe lời ngon ngọt, được nâng niu trân trọng; ta dễ bị dụ bởi lời nhẹ nhàng hơn là lời đe dọa. Muốn tiếp cận người khác, hãy lịch sự nhẹ nhàng. Phải đi vào trái tim họ trước, đừng nghĩ đến dùng vũ lực ép buộc được nha.

 

8.

Truyện kể rằng: Tấm ở cùng bà cụ, bèn mở hàng nước, ngày ngày gói bánh têm trầu cho bà bán hàng. Vua đi qua thấy miếng tàu têm cánh phượng rất đẹp, giống như của vợ têm ngày nào bèn hỏi chuyện. Từ đó Vua mới biết Tấm còn sống mà đón về cung.

=>  Dù rất ít hy vọng vua sẽ đi qua quán nước mà nhận ra mình, Tấm vẫn têm những cánh trầu rất đẹp, đợi chờ vua đến sẽ nhận ra là của cô. Thế nên, khi hoàn cảnh khó khăn, hy vọng rất ít, ta vẫn nên giữ niềm tin lại. Cứ tiếp tục làm tốt việc của mình, thế nào cũng có lúc được đền đáp xứng đáng.

 

Dạ Ly