Tấm Cám chắc là ai cũng biết rồi: từ bé tí được mẹ kể (hẳn là bản đã cắt xén bạo lực!), đi học tiểu học lại được học kể chuyện, rồi lên cấp hai gì đó, học lại trong môn Ngữ văn. Thôi thì, không bàn tới bài học Thiện-Ác đã nhắc đến mòn môi các nhà phân tích, hay cái kết man rợ gây sốc với những tâm hồn bé thơ non nớt trót yêu thương nàng Tấm (tưởng là) hiền lành; mình đã đọc lại truyện Tấm Cám, và thấy rằng truyện còn nhiều vô khối những bài học thiết thực hơn mà lẽ ra chúng ta phải được dạy lâu rồi mới phải!
1.
Truyện kể rằng: Một hôm người dì sai hai chị em Tấm Cám đi bắt tôm tép, ai bắt được nhiều hơn sẽ được thưởng một cái yếm đỏ. Tới trưa Tấm bắt được đầy giỏ, trong khi Cám mải chơi chẳng bắt được gì. Cám bèn bảo chị:
– Chị Tấm ơi, chị Tấm! Đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về mẹ mắng.
Tin là thật, Tấm bèn xuống ao lội ra chỗ sâu tắm rửa. Cám thừa dịp trút hết tép của Tấm vào giỏ của mình rồi ba chân bốn cẳng về trước. Lúc Tấm bước lên chỉ còn giỏ không, bèn ngồi xuống bưng mặt khóc hu hu
=> Phải tự ý thức được bản thân mình, biết mình tốt dở, đúng sai ở đâu; không thể cứ người khác bảo mình ra sao là tin ngay như thế được. Không tự biết giá trị của mình, dễ sinh tự kiêu hoặc tự ti; cả hai cái đức ấy đều chẳng dẫn người ta đến đâu cả.
Tấm cả tin như thế, đến đầu bẩn hay không cũng không biết; mình là con Cám mình cũng lừa cho!
2.
Truyện kể rằng: Tấm được Bụt cho con cá bống, mang về nhà thả xuống giếng, mỗi bữa đều chừa lại một bát cơm cho Bống ăn.
=> Rõ là Tấm chưa biết nuôi Bống có ích gì không nhưng cô vẫn mang về nhà chăm sóc cẩn thận, để rồi quả thực sau này việc ấy giúp cô có quần áo đi dự hội. Trong cuộc sống, việc đối xử tốt và không vụ lợi với những người xung quanh mình chính là cách đầu tư tốt nhất cho tương lai. Người ta bảo là xây dựng vốn xã hội (social capital) chính là như thế đó.
3.
Truyện kể rằng: Cám rình nghe Tấm gọi Bống lên “Bống bống bang bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người”, từ đó cũng học được cách gọi này. Lợi dụng khi Tấm đi chăn trâu đồng xa, hai mẹ con gọi cá lên và bắt làm thịt.
=> Hầu hết mọi việc đều có thể… học được, nếu bạn chịu để ý. Những ai đọc Harry Potter, hẳn biết rằng việc Ron Weasley học được một câu tiếng Xà ngữ từ Harry Potter là mấu chốt giúp bộ ba chiến đấu thành công. Ôi chao, đến Xà ngữ còn học được, huống chi câu thần chú gọi cá dễ nhớ như thế kia.
=> Về phần Tấm, có mỗi bí mật nhỏ cũng không cần thận giữ được. Nhớ rằng trong hoàn cảnh cạnh tranh mạnh mẽ, nếu ta may mắn có được bí quyết hay bí mật kinh doanh gì, đừng dại mà để mất lợi thế cạnh tranh ấy.
4.
Truyện kể rằng: Tấm tìm xương Bống mãi không được, may có con gà mái đề nghị giúp đỡ; con gà ăn thóc xong bới xương một lúc là ra. Khi Tấm bị dì ghẻ bắt nhặt thóc gạo, Bụt cũng sai đàn chim sẻ đến giúp.
=> Chúng ta không thể một mình tự làm tốt hết mọi việc được. Để sống ngon lành, nên làm bạn với người giỏi hoặc có quyền thế (như Bụt), và nhở vả đúng người đúng việc đúng chuyên môn (gà bới xương và chim nhặt thóc). Tập trung phát triển điểm mạnh của mình quan trọng hơn vá lỗ những điểm yếu (Tấm tập trung khóc gọi Bụt lên giúp thì rõ là được việc hơn cố đấm ăn xôi nhặt hết đấu gạo, nhỉ!).
5.
Truyện kể rằng: Tấm biến thành chim vàng anh, ngày ngày ra bờ sông nơi Cám giặt quần áo mà kêu:
Giặt áo chồng tao, phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao.
Thế là Tấm bị Cám mang ra thịt.
Lại nữa, Tấm biến thành cây xoan bị Cám chặt ra đóng khung cửi. Khung cửi kêu kẽo kẹt:
Kẽo cà kẽo kẹt, lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt cho.
Thế là Cám đem đốt luôn khung cửi. Tấm chết thêm lần nữa.
=> Muốn trả thù/chứng tỏ bản thân gì đó, trước tiên là bản thân phải có kế hoạch, thế lực phải mạnh đã rồi hẵng tuyên chiến. Khi chưa là gì mà đã lớn tiếng dọa nạt đối thủ, chỉ rước họa vào thân.
6.
Truyện kể rằng: Khi thử giày, Cám thoáng thấy bóng Tấm bèn bảo mẹ, hình như chị Tấm đi hội. Mẹ Cám bĩu môi:
Chuông khánh còn chẳng ăn ai
Huống hồ mảnh chĩnh mảnh chai bờ rào
=> “Mảnh chĩnh mảnh chai” nhiều khi chỉ cách chuông khánh có vài bộ quần áo đẹp và trang điểm tươm tất thôi nhé!
7.
Truyện kể rằng: Tấm biến thành quả thị. Có cụ bà ngày ngày đi qua cây thị, nhìn lên quả mà nói ngọt ngào:
Thị ơi thị rụng bị bà
Bà để bà ngửi chứ bà không ăn
Quả thị bèn rơi ngay vào bị bà.
=> Ai cũng thích nghe lời ngon ngọt, được nâng niu trân trọng; ta dễ bị dụ bởi lời nhẹ nhàng hơn là lời đe dọa. Muốn tiếp cận người khác, hãy lịch sự nhẹ nhàng. Phải đi vào trái tim họ trước, đừng nghĩ đến dùng vũ lực ép buộc được nha.
8.
Truyện kể rằng: Tấm ở cùng bà cụ, bèn mở hàng nước, ngày ngày gói bánh têm trầu cho bà bán hàng. Vua đi qua thấy miếng tàu têm cánh phượng rất đẹp, giống như của vợ têm ngày nào bèn hỏi chuyện. Từ đó Vua mới biết Tấm còn sống mà đón về cung.
=> Dù rất ít hy vọng vua sẽ đi qua quán nước mà nhận ra mình, Tấm vẫn têm những cánh trầu rất đẹp, đợi chờ vua đến sẽ nhận ra là của cô. Thế nên, khi hoàn cảnh khó khăn, hy vọng rất ít, ta vẫn nên giữ niềm tin lại. Cứ tiếp tục làm tốt việc của mình, thế nào cũng có lúc được đền đáp xứng đáng.
Dạ Ly
Like!